/ Tự sát ở trẻ vị thành niên /

Lượt xem:

Đọc bài viết


(Bài viết có hơi dài nhưng mong mọi người sẽ đọc và suy ngẫm ?✨)

Thời gian gần đây trên khắp các trang mạng lớn nhỏ đưa tin rất nhiều về chuyện trẻ vị thành niên vì áp lực mà tự sát, trong đó có một vụ nam sinh nhảy lầu ở Hà Nội và một vụ nữ sinh 13 tuổi treo cổ tự tử nghi do trầm cảm ở Bắc Ninh. Đây không phải chuyện mới lạ gì nhưng chưa bao giờ là một vấn đề hết nhức nhối. Những chấm đen tối ấy giống như những tiếng gào cứu thất thanh, là hồi chuông cảnh tỉnh các bậc cha mẹ nói riêng và toàn xã hội nói chung.

Không thể biết được ai đúng ai sai hoàn toàn, cũng không thể phán xét tại sao các em ấy lại đưa ra những lựa chọn đau lòng như vậy. Những gì người ngoài cuộc như chúng ta nên làm chỉ có thể là thấu cảm với những gì họ đã trải qua và cầu nguyện cho họ sẽ có một cuộc đời hạnh phúc hơn ở kiếp sống khác. Chắc rằng quá trình để một đứa trẻ cùng quẫn đến mức quyết định tự tử là cả một quãng đường dài. Đơn giản bắt đầu từ những lời nói không được “hay” cho lắm đến từ những người xung quanh, những tổn thương con con mà đến các em đôi lúc còn không nhận ra, rồi áp lực học tập trường lớp, mâu thuẫn xung đột trong gia đình,… Những điều vừa kể trên chỉ là một trong rất nhiều điều mà trẻ con ngày nay phải chịu. Tưởng rằng chúng chỉ là những thứ vặt vãnh không đáng để tâm nhưng không! Cái gì tích tiểu cũng sẽ thành đại. Tổn thương tâm lí cũng thế, nó sẽ lớn dần theo thời gian nếu chúng ta không nhận ra sớm và ngăn chặn nó kịp thời.

Cuộc sống của một đứa trẻ bạn nghĩ sẽ xoay quanh những thứ gì? Đó là nhà ở và trường học. Suốt từ lúc sinh ra đến hết bậc trung học, những mối quan hệ xã hội của chúng ta hầu như chỉ luẩn quẩn từ nhà đến trường, từ trường về nhà, có thể sẽ có thêm một vài mối quan hệ bên lề nữa nhưng chỉ chiếm phần nhỏ trong vòng tròn quan hệ mà thôi. Cho nên để hỏi lí do một đứa trẻ chọn tự sát đến từ đâu thì ngoài bản thân chúng ra có lẽ là từ trường học và gia đình.

Bắt đầu từ trường học. Môi trường học đường tưởng chừng là môi trường lành mạnh nhất, điều đó đúng nhưng không phải bao giờ cũng thế. Trường học có nhiều góc khuất hơn ta vẫn tưởng. Vậy mới nói trường học có thể sẽ là nơi nuôi dưỡng nên một đứa trẻ tốt nhưng cũng có thể sẽ là nơi giết chết một tâm hồn đang ở cái tuổi còn vô lo vô nghĩ. Mình cũng là một học sinh đang ngồi trên ghế nhà trường, từng chứng kiến qua rất nhiều vụ tẩy chay bắt nạt công khai, cả trên mạng lẫn ngoài đời, cũng từng chịu qua bao áp lực muôn thuở của học sinh như áp lực điểm số, áp lực đồng trang lứa,… Những đứa trẻ không may phải chịu đựng những điều như vậy, nhẹ thì để lại di chứng không phải ngày một ngày hai mà chữa lành được, nặng thì dẫn đến suy nghĩ vào ngõ cụt để rồi tự kết thúc cuộc đời mình.

Phải chăng thế hệ genZ chúng ta là một thế hệ quá khác biệt? Một thế hệ với những áp lực mới được sinh ra mà những thế hệ trước đây không có. Có lẽ vì vậy mà ông bà bố mẹ đôi khi không muốn hiểu hay không thể hiểu được ” chiếc bao tải ” mà đứa con của mình đang mang nặng đến cỡ nào. Người lớn thường nghĩ rằng trẻ con chỉ có mỗi việc ăn việc học nên không có gì phải lo nghĩ, chứ đừng nói đến chuyện chịu áp lực. Không như bố mẹ ngày xưa vừa phải học, vừa phải làm. Nhưng bố mẹ đâu hiểu áp lực mỗi thời đại không giống nhau và áp lực của thời đại mới lên những đứa trẻ còn bì bõm chưa kịp lớn không phải là điều cỏn con chẳng đáng để bụng. Một đứa trẻ chưa biết gì nhiều về cuộc đời đã phải gánh trên vai áp lực phải đủ tốt, đủ giỏi thì mới được công nhận, phải bằng bạn bằng bè, bằng “con nhà người ta”. Có câu nói rằng nhà là nơi bão dừng lại sau cánh cửa, là cái nôi đầu tiên nuôi dưỡng tâm hồn mỗi chúng ta, ấy thế nhưng thực tế nhiều gia đình rõ ràng giữa cha mẹ và con cái không có sự thông cảm sẻ chia, thậm chí là thường xuyên xích mích lời qua tiếng lại, đòi hỏi con mình phải thế này thế kia. Thử hỏi đến một nơi đáng lí ra là nơi ấm áp và an toàn nhất mà con cái thuộc về còn không mang lại cho những đứa trẻ cảm giác yên bình và được thương thì liệu còn nơi nào để con họ lui tới nhằm xoa dịu đi những vết thương lòng mà xã hội mang lại?

Nhưng dù trải qua những điều tồi tệ như vậy mình luôn tin rằng tất cả chúng ta không ai thực sự muốn rời khỏi thế gian này. Kể cả cậu bé nhảy lầu gây chấn động ngày hôm qua cũng vậy. Chúng ta thấy em bình thản như đã có sự sắp đặt hoàn hảo cho việc kết liễu cuộc đời mình nhưng trong khoảnh khắc đó, lúc mà em đi ra đi vào cửa ban công mình cảm thấy em vẫn có chút gì đó lưỡng lự, có chăng em vẫn còn chút luyến lưu cuộc đời này? vẫn còn chút le lói niềm hy vọng được sống một cuộc sống không khổ đau một lần nữa? Không ai biết em ấy thực tâm nghĩ gì, và chắc rằng mãi mãi không ai biết được lúc đứng ở thành lan can định nhảy xuống, em đã nghĩ về điều gì… Mình chỉ ước giá như lúc đó nếu bố em hỏi em một câu quan tâm nào đó có chăng em sẽ suy nghĩ lại về việc có nên rời đi.. nhưng sự thật thì luôn đáng buồn mà nhỉ…

Có những đứa trẻ kiên cường tự mình đi qua giông bão, tự mình xoa dịu nỗi đau mà thế giới đem lại nhưng số đó không nhiều. Đa phần những đứa trẻ đều còn non nớt, còn sợ đau, còn sợ hãi thế giới này.

Sẽ mất rất nhiều thời gian để cả xã hội và nền giáo dục nước ta thay đổi. Chúng ta không thể lay chuyển tư tưởng của cả một tập thể, cả một khối dân tộc ngay trong nay mai nhưng ta có thể thay đổi chính ta từ lúc này. Yêu thương quan tâm đến gia đình bạn bè nhiều hơn, sống tích cực hơn và thật tốt nếu sự tích cực của chính mình có thể truyền tới mọi người xung quanh, dù là bằng phương thức gì đi chăng nữa. Đặc biệt rằng mong cho những ai đọc tới dòng này xin hãy để tâm hơn tới người khác, lắng nghe nhiều hơn, dùng bàn tay ấm áp của bạn ôm lấy trái tim người khác, sưởi ấm cho họ. Hay đơn giản hơn xin bạn hãy ôm lấy trái tim của mình trước nhé!

Cuộc sống có thể sẽ đưa đến cho ta những trải nghiệm đau đớn nhưng ta có thể đáp trả nó bằng niềm tin và sự lạc quan.

Cuối cùng..
“Nguyện cho mỗi người trên thế gian này trên bàn có hoa, trong chén có trà, ngày mưa có ô, đêm tối có đèn.
Nguyện cho bạn thanh đạm không tranh, một đời có người lương thiện bầu bạn.
Nguyện cho bạn kiếp này bình an, phồn hoa tựa gấm..”